Khi Cao Hoan còn sống Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế

Cao Hoan cho rằng Lạc Dương quá sát biên giới với Tây Ngụy và Lương nên đã dời đô đến Nghiệp Thành, một trọng thành vững chắc nằm dưới sự kiểm soát của ông ta. Cho rằng việc Hiếu Vũ Đế chạy trốn là một sự bôi nhọ đối với mình, Cao Hoan đã công khai thể hiện sẽ tôn kính hết mức với Hiếu Tĩnh Đế trong phần đời còn lại. Các thuộc hạ của Cao Hoan cũng không dám làm trái lời Cao đã tuyên bố, mặc dù vậy, quyền lực trên thực tế vẫn nằm trong tay Cao Hoan cùng những người được ông ta bổ nhiệm. Cao Hoan cũng nhiều lần tiến hành chinh phục Tây Ngụy để thống nhất Bắc Ngụy, song đều bị Vũ Văn Thái hoặc các tướng khác của Tây Ngụy đẩy lui. Cao Hoan phần lớn ở đại bản doanh của ông ta tại Tấn Dương (晉陽, nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây), song thường xuyên đến thăm Nghiệp Thành. Năm 536, Cao Hoan lập con trai là Cao Trừng phụ trách triều đình Đông Ngụy. Cũng trong năm đó, Nguyên Đản qua đời, và theo một số sử gia thì Cao Hoan là thủ phạm.

Khi Hiếu Tĩnh Đế lớn hơn, ông được mô tả là một chàng trai tuấn tú và khỏe mạnh, có thể nhảy qua hàng rào trong khi giữ một con sư tử đá. Ông cũng được mô tả là có tài cưỡi ngựa, bắn cung và văn chương. Người dân so sánh ông với Hiếu Văn Đế, một tổ tiên có tiếng tăm của ông.

Năm 539, Hiếu Tĩnh Đế lấy con gái thứ hai của Cao Hoan làm hoàng hậu.

Năm 544, Cao Trừng vì muốn có một quan thần tin cẩn theo dõi Hiếu Tĩnh Đế nên đã lập thuộc hạ là Thôi Quý Thư (崔季舒) làm tổng giám cho Hiếu Tĩnh Đế. Tuy nhiên, Hiếu Tĩnh Đế đã có một mối quan hệ mật thiết với Thôi Quý Thư, Thôi thường xuyên sửa đổi các đệ trình của Cao Hoan lên Hiếu Tĩnh Đế và các chiếu chỉ mà Hiếu Tĩnh Đế ban cho Cao Hoan và Cao Trừng, nhằm cải thiện văn phong và nội dung. Hiếu Tĩnh Đế thường xuyên đưa ra nhận định, "Thôi là nhũ mẫu của trẫm."

Năm 545, theo yêu cầu của Cao Hoan, Hiểu Tĩnh Đế lấy một em họ của khả hãn Thổ Dục Hồn, Mộ Dung Khoa Lã (慕容夸呂) làm thiếp nhằm tăng cường mối quan hệ với Thổ Dục Hồn.

Năm 547, Cao Hoan mất, Cao Trừng nắm giữ toàn bộ quyền lực triều đình.